Coi trọng vấn đề tâm đức của đội ngũ giáo viên trong học sinh sinh

Thứ tư - 29/11/2017 22:05 | Số lần đọc: 426
Trong mỗi một cơ sở dạy học, chất lượng giáo dục – đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hệ thống chương trình đào tạo, cơ sở vật chất đảm bảo, chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh… trong đó vai trò quyết định nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên. Chất lượng đó được đánh giá thông qua hệ thống các tiêu chí như phẩm chất chính trị, trình độ học vấn, năng lực sư phạm, và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.
Một thực tế không thể phủ nhận, dù ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào của ngành giáo dục và đào tạo thì vai trò của người giáo viên luôn chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu, người giáo viên ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh còn có vai trò giáo dục, định hướng giá trị đạo đức cho họ. Do đó, đòi hỏi người giáo viên phải có tâm đức nghề nghiệp, luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” luôn khắc ghi trong tâm khảm của mỗi học sinh, giá trị của câu nói đó thể hiện ở tình cảm, sự kính trọng của học trò đối với thầy. Ngày nay, người giáo viên muốn được học trò kính trọng không thể chỉ có “nửa chữ” hay “một chữ”; không thể chỉ có học vấn cao, giỏi chuyên môn, hiểu sâu biết rộng… mà người giáo viên trước hết phải có “tâm”, chữ “tâm” của người giáo viên được hiểu thông qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”. Trong mỗi người giáo viên, chữ “tâm” được biểu hiện ở tinh thần nhiệt huyết, sự say mê, yêu nghề, yêu công việc, tích cực tìm tòi, học hỏi, khắc phục khó khăn, luôn tự phấn đấu vươn lên hoàn thiện mình. Một người giáo viên dạy giỏi dù ở cấp nào họ đều được đánh giá bởi thông qua các kỳ thi, qua hội đồng, thông qua các buổi dự giờ, nhưng một giáo viên có tâm huyết với nghề được đánh giá thông qua học sinh, mà biểu hiện rõ nhất là chất lượng nắm nội dung, kiến thức của người học, sự tin tưởng và lòng biết ơn, kính trọng của học trò đối với thầy.
Bên cạnh cái tâm, người giáo viên còn phải có đức. Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Vì vậy, đạo đức con người thì ở đâu cũng cần, song đối với người giáo viên đạo đức giữ vai trò hết sức quan trọng. Đức độ của người giáo viên sẽ tác động trực tiếp đến quá trình nhận thức, đến sự hình thành nhân cách của người học, cho nên người giáo viên phải thực sự mẫu mực trong mọi lĩnh vực. Đạo đức của người giáo viên được thể hiện qua chất lượng công việc và phong cách sống, đó là sự nhiệt tình mẫn cán, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến mọi người, khiêm tốn, thật thà, không tự cao tự đại hoặc tự ti, tự kỉ. Một đức tính cần có nhất của người giáo viên đó là tính trung thực, biết yêu thương nhưng không vị nể, biết nhìn nhận và đánh giá học trò một cách công tâm, khách quan, toàn diện, thật sự là chỗ dựa về trí tuệ, tinh thần cho học trò. Ở bậc Tiểu học các em học sinh thực sự như tờ giấy trắng, nếu ta tô vẽ lên đó những bông hoa đẹp đẽ thì các em sẽ được ngắm nhìn và yếu mến nó; song nếu chúng ta định hướng sai lệch, bôi vẽ lên đó những thứ bụi bẩn thì sẽ rất nguy hiểm; Một nhà hiền triết đã từng nói: Một kỹ sư tồi sẽ làm hỏng một ngôi nhà, một cây cầu; một bác sĩ không có đạo đức sẽ giết chết một con người; song một người thầy thiếu trách nhiệm sẽ làm hỏng một thế hệ thậm chí cả con cháu sau này; vì vậy hơn lúc nào hết giá trị của người thầy phải luôn được thể hiện tính đạo đức, nhân văn của mỗi người với trách nhiệm của cả một thế hệ.
Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh những nhà giáo có tâm đức trong sự nghiệp trồng người của mình thì đâu đó cũng không ít nhà giáo đang đi ngược lại với những tiêu chí đã xác định, họ giáo dục học sinh theo cách riêng của mình, sử dụng những lời nói, hành động xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của học sinh, đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, phản giáo dục, những hành động này chúng ta cần lên án mạnh mẽ. Kiên quyết không để nó tồn tại trong môi trường sư phạm.
Đối với Trường Tiểu học Tùng Ảnh, trong những năm qua tập thể BGH Nhà trường luôn quan tâm coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Chính từ sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân và tập thể hiện nay chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu giá trị của từng tiêu chí.
Với sự phát triển chung của ngành giáo dục – đào tạo và của Trường Tùng Ảnh hiện nay, đội ngũ giáo viên đã và đang được xây dựng một cách toàn diện vững chắc, nhất là trình độ học vấn, về phương pháp giảng dạy. Song, tâm đức của người giáo viên có được nêu cao và phát huy ở mọi nơi, mọi lúc hay không thì còn là vấn đề cần bàn luận.
Thực trạng hiện nay đội ngũ giáo viên của Nhà trường trực tiếp tham gia đứng lớp giảng dạy có thể được phân thành hai nhóm.
 Nhóm thứ nhất: đội ngũ cán bộ - giáo viên đã gắn bó nhiều năm trong nghề giảng dạy. Đây là đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong truyền thụ kiến thức cho học trò và họ thực sự là tấm gương sáng cho tập thể giáo viên trẻ noi theo.Tuy nhiên, với tuổi đời đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng điều này sẽ có phần ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả giảng dạy.
Nhóm thứ hai: đội ngũ giảng viên trẻ được tuyển chọn và thông qua đào tạo ở các trường sư phạm, đây là lực lượng có sức khỏe, được đào tạo cơ bản, năng nổ, có chí hướng phấn đấu vươn lên nhưng kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, điều này rất dễ mắc phải sự giáo điều, rập khuôn, máy móc. Bởi vậy, những vốn kiến thức, những kinh nghiệm thực tiễn quí báu, giá trị đạo đức cao cả, sự cống hiến của các thế hệ đi trước có được truyền thụ tích cực và thẩm thấu cho thế hệ kế tiếp hôm nay hay không còn phụ thuộc vào tâm đức của mỗi giáo viên.
Tâm đức của người giáo viên có được phát huy hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân, sự sắp xếp công việc phù hợp, cần phải có sự quan tâm đúng mức từ phía lãnh đạo của toàn ngành giáo dục nói chung và BGH của nhà trường nói riêng cũng như sự quan tâm đến quyền, lợi ích chính đáng của họ. Sự quan tâm đó phải được cụ thể hóa bằng chính sách đãi ngộ, bằng quyền lợi chính trị, cả vật chất và tinh thần, làm thế nào để người giáo viên thấy được trách nhiệm, cảm nhận được sự cao quý của người thầy một cách thực sự chứ không phải sự tung hô sáo rỗng, từ đó thấy rõ niềm tự hào, hãnh diện mà toàn tâm, toàn ý cho việc truyền thụ kiến thức đối với học sinh.
Như vậy, có thể thấy rằng trình độ năng lực của mỗi một giáo viên cần song chưa đủ để cho học sinh tiếp nhận và hoàn thiện nhân cách, mà đòi hỏi có tâm đức thực sự của mỗi người, đến với học sinh bằng tất cả tình thương trách nhiệm, với học sinh Tiểu học điều này lại càng phải được đặt lên hàng đầu, bởi vì các em cần phải được yêu thương, chiều chuộng, để các em mỗi ngày đến lớp là một ngày vui.
 

Tác giả bài viết: Phan Thị Cao Vân

Nguồn tin: Trường Tiểu học Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn