Những thành tố tích cực của mô hình Trường học mới

Thứ bảy - 30/12/2017 22:49 | Số lần đọc: 394
GD&TĐ - Theo công văn số 4068/BGDĐT- GDTrH (năm 2016) và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018, thì những với trường chưa có điều kiện áp dụng VNEN, có thể vận dụng những thành tố tích cực của VNEN vào hoạt động dạy học và giáo dục cụ thể của từng trường. 
Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn trong việc xác định các thành tố tích cực của mô hình này. Vậy thành tố tích cực của VNEN là gì ?
Những khác biệt cơ bản giữa hai hình thức áp dụng VNEN
Trong VNEN có khái niệm: Áp dụng VNEN toàn phần và Áp dụng VNEN từng phần. Cụ thể: Trường học được gọi là áp dụng VNEN toàn phần bao gồm các yếu tố: Tổ chức dạy - học theo Tài liệu Hướng dẫn học và thực hiện tất cả các thành tố tích cực của VNEN. Trường học được gọi là áp dụng VNEN từng phần là: Không tổ chức dạy - học theo Tài liệu Hướng dẫn học nhưng có thực hiện ít nhất một thành tố tích cực của VNEN.
Như vậy, dù các trường áp dụng theo hình thức nào (toàn phần hay từng phần) thì HS vẫn cùng được học nội dung giống nhau như sách giáo khoa hiện hành và cùng được kiểm tra, đánh giá theo quy định chung của Bộ. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai hình thức áp dụng VNEN là thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục và mức độ đổi mới hoạt động giáo dục ở mỗi nhà trường.
Tài liệu Hướng dẫn học của VNEN, thực chất là sách giáo khoa hiện hành, nhưng được bổ sung phần hướng dẫn cách tự học cho HS. Nhờ đó GV hiểu được quá trình học của HS, biết được cách hỗ trợ hướng dẫn HS trong quá trình các em tự lĩnh hội kiến thức.
Theo các nghiên cứu và kết quả đánh giá, các thành tố tích cực của VNEN có thể phân ra thành 3 nhóm: Nhóm các thành tố liên quan đến nhận thức, nhóm các thành tố liên quan đến phương pháp giáo dục và Nhóm các thành tố liên quan tới chủ thể giáo dục.
Quan điểm giáo dục
Nhóm các thành tố liên quan tới nhận thức giúp cho mỗi nhà trường có cách nhìn canh tân và toàn diện về giáo dục, đồng thời chuẩn bị tâm thế cho sẵn sàng đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện. Trong nhóm này, đầu tiên phải nói đến triết lý, hay quan điểm giáo dục.
VNEN có thể hiểu như là một “phương thức sư phạm mới” bao gồm các phương pháp giảng dạy và nội dung giáo dục được dựa trên cơ sở định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của HS, lấy hoạt động học của HS làm trung tâm trong quá trình giáo dục.
Vì vậy, các nội dung về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức lớp học, đánh giá HS của VNEN sẽ chi phối không chỉ quá trình dạy học, giáo dục mà còn phù hợp với cả chương trình giáo dục theo hướng hiện đại, đặc biệt là CTGDPT mới.
Ngoài ra, trong các nhà trường VNEN, mục tiêu giáo dục cũng được điều chỉnh cụ thể. Mô hình VNEN chú trọng hình thành các năng lực chung (tự học, độc lập, sáng tạo, hợp tác, giao tiếp…) để HS có đủ điều kiện và sớm thích ứng vai trò là người phát triển cộng đồng.
Dạy phương pháp và cách thức giải quyết vấn đề, dạy cách học cho HS. Giáo dục cho HS là để đáp ứng trước hết cho những yêu cầu hiện tại và sau đó là tương lai. Những điều đã học và các kỹ năng được hình thành là cần thiết, bổ ích cho bản thân HS và cho sự phát triển của xã hội.
Phương pháp dạy học tích cực và tổ chức quản lý lớp học
Nhóm các thành tố liên quan tới phương pháp giáo dục giúp cho mỗi nhà trường có phương pháp giáo dục mới, phù hợp với xu thế của giáo dục tiên tiến trên thế giới, trong đó có các yếu tố như Phương pháp dạy học tích cực, Công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học và Tổ chức và quản lý lớp học.
Về phương pháp dạy học tích cực: trong mô hình VNEN, các hoạt động học tập được tổ chức, được định hướng bởi GV (hay công cụ học tập), HS không thụ động, chờ đợi mà tự lực, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, phát hiện, chiếm lĩnh và giành lấy kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tiễn, qua đó HS được học tập, sáng tạo và phát triển phẩm chất, năng lực cho bản thân.
Dạy học trên cơ sở hợp tác và giao tiếp ở mức độ cao, HS được học tập theo bản năng vốn có, đó là được hoạt động, vui chơi (mỗi ngày tới trường là một ngày vui), được hạnh phúc tự khẳng định mình, nuôi dưỡng lòng khát khao, mong muốn được cống hiến sáng tạo. Phương pháp dạy học tích cực không chỉ nhấn mạnh tới tính tích cực hoạt động của HS mà còn coi trọng tính nhân văn của giáo dục.
Những dấu hiệu đặc trưng của Phương pháp dạy học tích cực bao gồm việc dạy học thông qua tổ chức các hoạt động (học và giáo dục) cho HS và chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho các em; Học tập cá nhân, tự học là chính. Phối hợp với học hợp tác và học theo nhóm; Dạy học coi trọng hướng dẫn sự tìm tòi, ham mê, hứng thú của HS, nhu cầu và lợi ích của xã hội.
Công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học cũng làm một yếu tố tích cực của VNEN. Góc học tập, hòm thư chung, thư viện lớp học, góc cộng đồng và bản đồ cộng đồng là các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp học VNEN.
Công cụ hỗ trợ lớp học, có hiệu quả rất rõ rệt khi tổ chức hoạt động học tập cho HS, giúp các em trực tiếp thực hành học tập thông qua các đồ vật thật. Sự xuất hiện và triển khai các công cụ hỗ trợ trong, đã sớm làm thay đổi lập tức môi trường lớp học, thân thiện và hiệu quả.
Việc Tổ chức và quản lý lớp học ở mô hình VNEN theo hướng Tự giác -Tự quản - Dân chủ và Nhân văn, cơ động, linh hoạt, tổ chức theo yêu cầu, đặc thù môn học khác nhau. Học sinh có thể học ở ngoài lớp, ngoài nhà trường, với nhiều hính thức: học theo cá nhân, theo nhóm nhỏ.
Bàn ghế theo chuẩn của Bộ, thuận tiện cho việc sắp xếp, bố trí phù hợp với hoạt động học của HS.Theo đó, lớp học VNEN hoạt động, kỷ luật tích cực, không hình thức, HS tự chủ, tự quản, dân chủ, thân mật và hợp tác. Tổ chức và sử dụng có hiệu quả Hội đồng tự quản HS, nhằm giúp HS tham gia vào các vấn đề HS, được quy định trong Luật trẻ em.
Cha mẹ học sinh và cộng đồng chủ động tham gia quá trình giáo dục
Nhóm cuối cùng - Nhóm các thành tố liên quan tới chủ thể giáo dục -giúp cho mỗi nhà trường hiểu được vị trí và vai trò của các tác nhân quyết định tới chất lượng giáo dục. Các yếu tố trong nhóm này bao gồm Tập huấn và bồi dưỡng giáo viên và Hoạt động phối hợp cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Việc tập huấn và bồi dưỡng giáo viên được tổ chức thông qua sinh hoạt chuyên môn theo trường và cụm trường thường xuyên, liên tục, thiết thực, không nặng về hành chính. Xây dựng các trường trọng điểm về đổi mới giáo dục. Sinh hoạt chuyên môn được hiểu là là bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh và nghiên cứu bài học.
Hoạt động phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng tạo điều kiện cho cha mẹ các em và các tổ chức, người dân địa phương tham gia vào các hoạt động nhà trường thường xuyên và hiệu quả; trực tiếp hỗ trợ học tập, đồng thời đánh giá và giáo dục học sinh.
Như vậy, nhà trường không khép kín mà rộng mở và kết nối với cộng đồng. Cha mẹ học sinh và cộng đồng trở thành chủ thể của lực lượng giáo dục, đi đầu cho hoạt động xã hội hóa giáo dục. Mô hình VNEN tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của chính quyền các cấp, các đơn vị kinh tế, các công ty để xây dựng các mô hình nhà trường gắn với đặc thù kinh tế, văn hóa và xã hội của mỗi địa phương.
Đặng Tự Ân (Chuyên gia Trưởng Dự án VNEN)
 

Tác giả bài viết: Phạm An

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn