Phương pháp kích thích học sinh học môn tiếng anh lớp 3

Thứ sáu - 24/11/2017 10:20 | Số lần đọc: 391
Trong xu hướng đổi mới chương trình sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy theo cách giao tiếp, phát huy tính sáng tạo, tích cực và tự chủ động của học sinh rất nhiều giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng của nó và tiếp thu thực hiện một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi người lại có cách nhìn, một quan niệm khác nhau trong việc vận dụng phương pháp mới vào xây dựng, thiết kế một bài dạy cụ thể. Riêng đối với bản thân tôi, trải qua một quá trình suy nghĩ, tìm tòi có chọn lọc… tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm giảng dạy và đã áp dụng có hiệu quả một vài phương pháp kích thích hứng thú học tập môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 3như sau:
1. Phương pháp sử dụng các trò chơi trong giảng dạy:
Trò chơi không phải lúc nào cũng là một loại hình giải trí. Thực ra nó có thể sử dụng để củng cố ngữ liệu đã giới thiệu trong bài học theo một phương pháp hấp dẫn học sinh một cách có tổ chức vui vẻ và đồng thời kích thích hứng thú học tập của các em, đặc biệt là ở phần “warm up”.  Vì vậy giáo viên cần phải biết vận dụng các trò chơi trong các bài dạy để cho học sinh vừa học vừa chơi để bài học được diễn ra nhẹ nhàng bớt căng thẳng. Tuy nhiên, tuỳ vào bài cụ thể mà giáo viên có thể chọn ra trò chơi phù hợp với mục đích của bài học.
Ví dụ 1: Để kích thích hứng thú học tập của học sinh đồng thời ôn lại bài cũ, giáo viên có thể sử dụng các từ mới đã học để cho học sinh chơi trong phần warm up. Cụ thể như trước khi học sang part 4, 5, 6 - lesson 1 – unit 7, giáo viên có thể ôn lại từ mới ở bài trước qua phần warm – up bằng cách sử dụng trò chơi: “get a shock – trò điện giật”:
- Gọi HS đứng dậy nêu ra tên của một phòng trong nhà trường bằng tiếng Anh, nêu HS đó không nêu được thì bị điện giật, còn nếu học sinh đó trả lời đúng thì ngay lập tức chỉ vào bạn khác để bạn trả lời. Vòng chơi tiếp tục và người thua cuộc sẽ bị điện giât. Những ai bị điện giật có thể bị phạt bằng hình thức hát, múa hoặc đi người mẫu……
- Trò chơi này không những củng cố kiến thức cho học sinh mà đồng thời luyện cho các em khả năng phản xạ cực nhanh.
 Ví dụ 2: Để củng cố vốn từ vựng đã học trong Unit 9: What colour is it? phần 2 của lesson 2, giáo viên có thể sử dụng trò chơi “Board race - chạy đua lên bảng”
- Chia học sinh thành 3 đội mỗi đội khoảng 6 học sinh đứng xếp thành từng hàng. Giáo viên yêu cầu mỗi đội lên bảng viết các từ vựng chỉ màu sắc đã học. Mỗi lượt lên bảng mỗi đội chỉ được phép lên 1 người, khi người đứng trước lên viết xong 1 từ và chạy về cuối hàng thì người kế tiếp chạy lên bảng viết thêm từ, đội nào viết được nhiều từ và nhanh hơn sẽ thắng.
2. Phương pháp gây hứng thú cho cho học sinh thông qua đồ dùng trực quan:
Theo tôi tất cả các phương tiện dạy học như băng, cát-sét và các phương tiện trực quan như tranh, ảnh, đồ vật thật ... đều có thể gây hứng thú cho học sinh trong học tập. Trong đó phương pháp dùng đồ dùng trực quan là phương pháp hữu hiệu áp dụng giảng dạy cho học sinh lớp 3. Bởi lẽ phương tiện trực quan đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ý nghĩa, giúp học sinh liên tưởng được ý nghĩa của ngôn ngữ một cách trực tiếp, dễ dàng, dễ khắc sâu mà không cần phiên dịch. Bên cạnh đó đồ dùng trực quan đặc biệt gây sự chú ý của học sinh. Với các chủ đề gần gũi với cuộc sống thường ngày của sách giáo khoa Tiếng Anh, giáo viên có thể giới thiệu từ mới hay tình huống thông qua các phương tiện trực quan như hình ảnh hay đồ vật thật.
3. Phương pháp khêu gợi trí tò mò và tính ham hiểu biết của học sinh:
Đối với lứa tuổi học sinh tiểu học đặc biệt là học sinh lớp 3 sự tò muốn khám phá nhiều hơn nữa những vật xung quanh, những vốn từ vựng mà mình chưa biết rất lớn nên các em dễ bị lôi cuốn vào những vấn đề mà chúng quan tâm.
Vì vậy khi biên soạn chương trình sách giáo khoa Tiếng Anh của Bộ, các nhà biên soạn đã tập trung vào những chủ đề rất gần gũi, sát thực với học sinh, phù hợp với trình độ, tâm lý lứa tuổi, nhu cầu, sở thích như vốn sống của các em như: những đồ dùng học tập, các con vật, những câu mệnh lệnh trong lớp, những từ giới thiệu bạn bè, những người trong gia đình ... Tất cả các chủ đề này đều gây hứng thú cho học sinh và khêu gợi tính tò mò rất cao. Vì vậy giáo viên phải biết cách đưa ra các tình huống để lôi cuốn các em vào chủ đề của bài cũng như những hoạt động trên lớp.
4. Phương pháp xây dựng lòng say mê với Tiếng Anh của học sinh qua hoạt động ngoại khóa.
            Không chỉ đối với trẻ em mà kể cả người lớn chúng ta đôi khi cũng cảm thấy ngồi trong lớp học tập theo một khuôn nhất định là một hoạt động khá gò bó và cứng nhắc. Vì vậy giáo viên chúng ta nên linh hoạt cho các em tham gia các hoạt động ngoại khóa Tiếng Anh nhằm gây hứng thú học tập đối với các em. Mặc dù đây không phải là một phương pháp mới lạ nhưng lại thật khó để áp dụng cho trẻ em đặc biệt là học sinh lớp 3 vùng nông thôn – những em học sinh mới chỉ bắt đầu làm quen với ngôn ngữ mới. Hiểu được điều đó các nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa Tiếng Anh 3 mới tái bản của Bộ đã đặc biệt chú trọng đến việc đã thêm vào mỗi bài học một phần Project, let’s sing, let’s chant hoặc sau mỗi chủ đề là phần Short story tạo cơ hội cho cả giáo viên và học sinh tham gia vào hoạt động giúp học sinh có thể khắc sâu kiến thức của mình một cách tự nhiên. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Mai Thủy

Nguồn tin: Trường Tiểu học Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn