Hiểu cách dùng từ và sửa lỗi dùng từ trong dạy học phân môn tập làm văn ở Tiểu học

Thứ ba - 29/12/2015 15:05 | Số lần đọc: 3562
Lâu nay, trong giờ dạy tập làm văn cho học sinh Tiểu học; các thầy giáo, cô giáo không chỉ hướng dẫn học sinh xác định đúng thể loại, kiểu bài, cách làm bài và trình bày bài văn… mà còn hướng dẫn, rèn luyện cho học sinh cách dùng từ khi viết văn, chữa lỗi dùng từ lúc chấm bài và trả bài viết cho các em.
Song ta thường bắt gặp các lời phê của quý thầy cô giáo trong bài làm của học sinh chưa rõ ràng, chưa cụ thể như: Dùng từ chưa chính xác, dùng từ chưa hay, dùng từ trùng lặp, dùng từ sai nghĩa…
      Vậy hiểu cách dùng từ và sửa lỗi dùng từ, trong dạy phân môn Tập làm văn ở Tiểu học như thế nào? Xin được trao đổi như sau:
      Từ là đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, có ý nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, được người nói, người viết dùng để đặt câu. Vì vậy, khi nói đến việc rèn luyện kĩ năng nói và viết cho học sinh, giáo viên cần tìm hiểu kỹ nghệ thuật dùng từ đúng và dùng từ hay. Để làm căn cứ sửa lỗi dùng từ cho học sinh một cách chính xác.
1.   Dùng từ đúng: Dùng từ đúng có hai mặt, đó là dùng từ đúng âm và dùng từ đúng nghĩa.
a.   Dùng từ đúng âm: Để dùng từ đúng âm phải hướng dẫn học sinh cách phát âm chuẩn. Nhưng để nói chuẩn tất cả Tiếng Việt là một yêu cầu rất khó đối với học sinh trên cả ba miền của đất nước ta, chưa kể mỗi miền lại có những phương ngữ khác biệt…
      Biện pháp tốt nhất để giúp học sinh dùng từ đúng âm đó là rèn viết chính tả, viết đúng chính tả. Muốn đạt được yêu cầu này, giáo viên cần cho học sinh nhìn cách viết đúng, nghe cách nói đúng để rồi bản thân các em sẽ viết đúng và nói đúng.
      Bên cạnh đó, học sinh Tiểu học còn phạm lỗi dùng từ không đúng âm vì hiểu không rõ nghĩa của từ ấy. Vì vậy, khi giảng dạy cần giảng cho học sinh hiểu rõ nghĩa của từ, các em sẽ hạn chế được phần nào lỗi dùng từ không đúng âm.
      Ví dụ:
Đúng âm
Phiêu bạt
Trong trắng
Cần mẫn
Không đúng âm
Phiêu bạc
Chong chắng
Cầng mẫng
     Sự thống nhất về chữ viết được thể hiện trong chữ Quốc ngữ; nói như vậy có ý nghĩa đáng lưu ý bởi vì tiếng Kinh là “Quốc ngữ” của tất cả các dân tộc trên đất nước ta. Đó là một thứ chữ ghi âm vị, dựa trên cơ sở chữ cái La Tinh, có dấu ghi thanh điệu và từng âm tiết tách rời.
b.   Dùng từ đúng nghĩa: Nghĩa của từ được nêu rõ trong từ điển, phải dùng từ một cách chính xác, hiểu đúng nghĩa gốc của nó. Phải tra  cứu để hiểu tường tận nghĩa của từ mà dùng từ đúng khi nói và viết. Giáo viên cần chú ý lớp từ đa nghĩa, từ có nghĩa đen và nghĩa bóng…
      Ví dụ:  Trong bài “Tiếng hát mùa gặt” có câu “Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời” có giáo viên đã hướng dẫn học sinh giải nghĩa từ “long lanh” là “xọc xạch” !!!?
      Phần lớn trường hợp dùng từ không đúng nghĩa thường xảy ra ở các từ Hán Việt. Từ Hán Việt là từ có gốc Hán, do người Việt mô phỏng âm Hán cổ mà đọc chệch ra thành âm Hán Việt.
2.   Dùng từ hay
Có nhiều cách dùng từ hay, chỉ xin đề cập một số trường hợp dùng từ tiêu biểu, gần gũi với cách nói và viết ở học sinh Tiểu học.
a.   Dùng từ chính xác: Là cách dùng từ không những đúng âm, đúng nghĩa mà còn đạt được yêu cầu không thể thay thế bằng bất kỳ từ nào khác.
    Ví dụ: “Kiếp hồng nhan quá mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”.
                                                               (Nguyễn Du)
    Nếu ta thử thay thế tiếng “thoắt” bằng tiếng “bổng” thì ý nghĩa , thần thái câu thơ sẽ thay đổi như thế nào? Tiếng “thoắt” tạo ra âm thanh bế tắc, đột ngột hơn và có cảm giác khô khốc…
     Tóm lại, dùng từ chính xác là cách dùng từ có chọn lựa, để tìm ra từ đúng nhất, có giá trị nghệ thuật nhất phù hợp với từ cần diễn đạt.
b.    Dùng từ hình tượng: Là cách dùng từ có thể vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh của cuộc sống, tạo cho người đọc có cảm giác như được nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay sự vật được miêu tả.
Với đặc tính này, ngoài chức năng thông báo, từ hình tượng còn tạo cho người đọc nhiều rung cảm thẩm mĩ. Vì vậy, từ hình tượng rất phù hợp trong viết văn. Trong các loại từ (từ đơn, từ ghép, từ láy) thì từ láy có khả năng tạo ra được hình ảnh khêu gợi, có giá trị gợi hình, gợi cảm nhất. Nếu giáo viên hướng dẫn học sinh dùng từ láy đúng chỗ thì chúng miêu tả sự vật, hiện tượng một cách sinh động mà các từ khác không có được.
     Ví dụ: nhỏ – nho nhỏ – nhỏ nhắn – nhỏ nhặt – nhỏ nhoi.
    Ngoài từ láy ra, cách dùng từ tạo được hình ảnh, cảm xúc phổ biến nhất đó là các biện pháp tu từ như: Nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ… là cách làm cho văn bản có hình ảnh gợi cảm, ý nghĩa sâu xa; nhờ vậy mà nội dung diễn đạt có thêm những nét bổ sung “đắt giá” so với cách nói thông thường.
    Vì thế, khi viết văn giáo viên cần khuyến khích, hướng dẫn học sinh dùng từ láy, từ hình tượng, động từ, tính từ thích hợp… để bài viết của các em “có giá trị nghệ thuật” hơn.
c.    Dùng từ đúng phong cách: Các từ trong tiếng Việt cũng như trong ngôn ngữ khác, không chỉ khác nhau về  ngữ nghĩa mà còn khác nhau về phong cách, chức năng.
    Tùy theo hoàn cảnh nói năng, phong cách viết và khả năng của từng người mà các từ được ưu tiên sử dụng khác nhau. Người ta có thể phân chia vốn từ một nghĩa thành các lớp từ khác nhau theo phong cách và chức năng của nó:
-      Lớp từ đa phong cách: Là lớp từ được sử dụng trong nhiều phong cách khác nhau như trong văn chương, trong hành chính… đây là vốn từ cơ bản của con người.
-      Lớp từ đơn phong cách: Là lopwfs từ được sử dụng trong một phong cách nhất định như khẩu ngữ, chuyên môn, được dùng trong các ngành khoa học mà người ta gọi là thuật ngữ.
    Vậy từ cách hiểu dùng từ nêu trên, ta có thể thấy học sinh Tiểu học thường mắc phải một số lỗi dùng từ trong giờ học Tập làm văn như sau:
3.   Các lỗi dùng từ học sinh Tiểu học thường mắc phải:
a.   Lỗi dùng từ trùng lặp: Là cách dùng đi dùng lại một từ thừa, không cần thiết có thể bỏ đi được. Người viết không bỏ đi làm cho câu văn rườm rà và nặng nề.
   Ví dụ: Chị ấy đứng tần ngần hồi lâu rồi chị bỏ đi.
   Lặp lại hai lần từ “chị” có thể bỏ đi một từ “chị” ở sau. Tuy vậy, cũng cần chú ý có những từ ngữ được lặp lại nhiều lần có giá trị biểu đạt cao, đó là nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ thường được sử dụng trong văn chương.
b.   Lỗi dùng từ không đúng âm: Để khắc phục lỗi dùng từ này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh luyện viết đúng chính tả, hiểu rõ nghĩa của từ, phát âm theo cách phổ biến nhất và không nói tắt, không thay đổi trật tự các từ trong từ ghép hoặc từ tổ (nhóm từ), sẽ hạn chế được lỗi dùng từ không đúng âm.
     Nhưng đây phải là một quá trình rèn luyện cần mẫn của cả thầy và trò trong suốt quá trình học sinh tiểu học.
c.    Lỗi dùng từ không đúng nghĩa: Để khắc phục lỗi này, giáo viên cần nhắc nhở, rèn luyện cho học sinh học tập phân môn luyện từ và câu trong chương trình bậc Tiểu học. Phải sử dụng thường xuyên từ điển để rèn luyện kỹ năng dùng từ. Chú ý phân biệt cho được nét khu biệt trong ngữ nghĩa của những từ đồng nghĩa tương đối. Tránh lối đoán mò, hiểu từ lờ mờ.
    Bên cạnh đó cần phải thận trọng khi sử dụng một từ chuyên môn hoặc một từ mới xuất hiện do sự vay mượn tiếng nước ngoài.
d.   Lỗi dùng từ phương ngữ không sáng nghĩa: Lỗi này thường xuất phát từ thói quen thổ ngữ, cách phát âm lệch chuẩn nên dẫn tới viết sai, dùng từ không rõ nghĩa.
    Để sửa lỗi dùng từ này trước hết giáo viên phải phát âm chuẩn và viết đúng chính tả. Hướng dẫn học sinh sửa lỗi bằng các phương pháp trực quan, đặt câu, tìm từ trí nghĩa để so sánh… phối hợp chặt chẽ phân môn Tập làm văn với các phân môn Tập đọc, Chính tả, Kể chuyện, Luyện từ và câu… để các em có vốn từ đa dạng, dùng từ đúng và hay trong viết văn.
    Bên cạnh đó rất cần chú ý đến cách đặt câu, viết câu đúng ngữ pháp, bố  cục bài văn rõ ràng…
    Như vậy, từ một tổ hợp kích thích: nghe, nhìn, vận động, cấu âm; một quy luật tâm lý là càng nhiều cơ quan cảm giác, tham gia vào tiếp nhận đối tượng thì các em càng ghi nhớ chắc chắn đối tượng (từ) đó.
    Vì vậy, khi dạy sử dụng từ, chữa lỗi dùng từ cho học sinh, trong phạm vi có thể cần sử dụng các phương tiện tác động lên tất cả các giác quan: học sinh không chỉ nhìn thấy vật thật đại diện cho nghĩa từ mà còn nghe thấy, phát âm và viết từ mới.
    Trong giờ Tập làm văn đòi hỏi giờ dạy phải bắt đầu bằng việc tổ chức cho học sinh quan sát, tìm ý, lựa chọn từ ngữ rồi từ đó yêu cầu học sinh nói thầm, nói thành lời và cuối cùng viết ra những gì các em đã quan sát được.
    Làm sao mỗi câu văn, đoạn văn, bài văn các em viết ra chứa đựng được nhiều nội dung chừng nào hay chừng ấy; với cách dùng từ chắc, súc tích, giàu hình ảnh. Để bài văn của các em sáng sủa, sinh động, tự nhiên, đúng trọng tâm đề bài… là những yêu cầu cần thiết đặt ra trong quá trình dạy Tập làm văn ở Tiểu học.

Tác giả bài viết: Phan Thị Cao Vân

Nguồn tin: Trường Tiểu học Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn