Trường TH Tùng Ảnh - điểm sáng dạy học tiếng việt công nghệ lớp 1 của giáo dục Hà Tĩnh

Thứ sáu - 13/03/2015 03:50 | Số lần đọc: 1463
Tiểu học Tùng Ảnh là một trong những trường của huyện Đức Thọ được Sở giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh chọn làm thí điểm về việc triển khai thực hiện dạy học tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Trước một chương trình mới, đội ngũ giáo viên cũng như ban giám hiệu không ít những băn khoăn, lo lắng trong việc tiếp nhận và chuyển tải nội dung, chương trình dạy học đáp ứng với sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp giao cho nhà trường.

Sự khó khăn lớn nhất đặt ra cho Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, đó là việc lựa chọn giáo viên đứng lớp, trên thực tế đội ngũ giáo viên nhà trường cơ bản có trình độ chuyên môn vững vàng, yêu ngành, yêu nghề tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nhưng kinh nghiệm để thực hiện chương trình tiếng Việt công nghệ chưa có; Một điểm nữa là cơ sở vật chất của nhà trường như: sách giáo khoa, các loại dụng cụ, đồ dùng trực quan phục vụ cho giáo viên và học sinh còn hạn chế; chất lượng học sinh không đồng đều, cả học sinh và phụ huynh lâu nay vẫn quen với nội dung  dạy học cũ. Khi bắt đầu thực hiện chương trình này đã xuất hiện nhiều ý kiến, nhiều quan điểm trái chiều của phụ huynh học sinh và ngay cả chính giáo viên trong nhà trường, đa số họ chưa thực sự sãn sàng đón nhận với phương pháp và cách thức  dạy học mới này. Sự băn khoăn không phải không có lí do, bởi trước đây, học hết 8 tuần, các em thuộc bảng chữ cái và có thể ghép thành vần , tiếng. Nhưng theo chương trình công nghệ mới này, nếu như học hết 6 tuần, học sinh đã phải đọc những bài dài tới 30 tiếng, các em biết tiếng luôn nhưng chỉ đọc vẹt theo thầy, cô nên không viết được chữ. Với những lớp có học sinh yếu, giáo viên rất vất vả và nguy cơ các em “mù chữ” nếu chẳng may bị ốm phải nghỉ và học vài buổi. Chưa kể  đến việc khi giáo viên giao bài về nhà tập đọc, học sinh thấy bài quá dài, không có bạn bè đọc cùng cho khí thế nên ngại không muốn đọc, do đó dẫn đến sự yếu kém, dễ nảy sinh cảm giác sợ học.
Trước thực trạng trên, Ban giám hiệu Nhà trường đã chủ động gặp gỡ phụ huynh học sinh nhằm thống nhất và định hướng tư tưởng để cho họ yên tâm phối hợp với nhà trường trong việc động viên con em học tập một cách tốt nhất, sau khi định hướng và tạo sự đồng thuận đối với phụ huynh học sinh, nhà trường đã tuyển chọn và cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Sở và Phòng tổ chức. Chỉ đạo tham quan, học hỏi ở các đơn vị thí điểm, xem băng dạy học mẫu, tổ chức chuyên đề riêng ngay tại trường. Đồng thời vừa dạy học vừa tổ chức đánh giá khả năng dạy của giáo viên và tư duy học tập của học sinh để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó Nhà trường đã chủ động đầu tư mua sách giáo khoa, trang thiết bị, dụng cụ đồ dùng bổ trợ giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh.
Năm học 2013 – 2014, nhà trường đã triển khai thực hiện chương trình cho 4 lớp 1 với 85 học sinh, bước đầu đã thu về được kết quả như mong muốn, chất lượng dạy và học được nâng lên, vấn đề cơ bản là đã tạo được cảm giác thoải mái trong tiếp thu bài cho học sinh, giúp các em tham gia hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin; biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả; phát triển tư duy, học đến đâu chắc đến đó; đa số học sinh không bị nhầm lẫn viết sai chính tả. Giáo viên đứng lớp đã từng bước khắc phục được những hạn chế và tích lũy được những kinh nghiệm quy báu trong việc dạy học. Có thể khẳng định, với phương pháp dạy học này cho thấy giảm được áp lực học tập cho học sinh và cao hơn cả là tạo được sự đồng thuận và niềm tin cho phụ huynh. Đặc biệt trong đợt kiểm tra, khảo sát thí điểm dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục do Sở giáo dục Hà Tĩnh chủ trì, sau gần hai tháng triển khai tổ chức thực hiện, trường Tiểu học Tùng Ảnh được các cấp, các ngành của Sở giáo dục đánh giá là một trong những trường thực hiện xuất sắc quy trình dạy học cũng như khả năng đọc viết, phát âm của học sinh. Có thể nói đây là một sự nổ lực lớn của nhà trường nói chung và đội ngũ giáo viên đứng lớp nói riêng. Và đây thực sự là một bước tiến quan trọng trong việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học của nhà trường, giúp cho lãnh đạo Sở giáo dục - Đào tạo có những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để triển khai thực hiện sâu rộng và toàn diện trên toàn tỉnh. Kết quả này đã phản ánh đúng thực chất về năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhất là những giáo viên trực tiếp giảng dạy trong việc tiếp nhận và tổ chức thực hiện thí điểm tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục theo yêu cầu của Phòng và Sở giáo dục.
Để đạt được thành tích trên, nhà trường phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, trong đó tập trung chú trọng và rút ra được kinh nghiệm trên một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là,, đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp phải là người có tâm huyết với công việc, yêu ngành, yêu nghề; lấy kết quả học tập của học sinh làm niềm vui để nổ lực phấn đấu cho sự nghiệp trồng người.
Trong phương pháp dạy học, người giáo viên đóng vai trò quan trọng về việc định hướng giúp đỡ học sinh tiếp thu học tập. Đối với học sinh ở bậc tiểu học, nhất là các em học sinh lớp 1, bước vào giai đoạn học chữ các em còn nhiều bỡ ngỡ, mặc dù đã được bổ trợ ở các trường mầm non, nhưng các em chưa thoát khỏi cái “bóng” của cha mẹ, quen với sự nuông chiều. Bên cạnh đó mặt bằng kiến thức và sự tiếp nhận hoạt động học tập của học sinh không đồng đều, những gia đình khá giả hơn thì các em luôn được cha, mẹ chăm sóc tạo điều kiện sớm tiếp cận với cách dạy, cách học, hơn nữa ngoài việc học ra các em còn được vui chơi, giải trí, sớm làm quen với các hoạt động tập thể. Nhưng với những gia đình khó khăn, ngoài giờ học các em còn phải lo phụ giúp gia đình nhiều công việc khác nhau. Chính vì vậy lúc này gánh nặng trách nhiệm đặt lên đôi vai các cô. Sự tâm huyết đó phải được thể hiện bằng hành động và việc làm mẫu mực của mình trước học sinh, phải trăn trở, suy nghĩ làm sao định hướng, giúp đỡ cho các em có tính lập, tự giác, hứng thú, say mê học tập. Làm sao để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đó mới chính là sự thành công. Người giáo viên không những là người cô, người thầy mà còn là người mẹ hiền của các em.
Ngoài việc tâm huyết, yêu nghề người giáo viên còn phải thể hiện thái độ, sâu sát với học sinh, phải thực sự hiểu rõ những ưu, khuyết điểm của từng học sinh, như Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã khẳng định: Thầy giáo không chỉ đơn thuần là người truyền kiến thức mà đồng thời phải có vai trò như một nhà tâm lí, vì vậy đòi hỏi giáo viên phải nắm được đặc điểm tâm, sinh lý của các em để có phương pháp dạy cho phù hợp, điều quan trọng của học sinh lớp 1 đòi hỏi cô giáo phải luôn luôn nhẹ nhàng vừa “dạy” vừa “dỗ” để các em lúc nào cũng cảm nhận mình luôn được che chở khi không có cha, mẹ ở bên cạnh từ đó mà yên tâm học tập, biết vâng lời cô. Với phương châm “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cụ thể, tỷ mĩ và đòi hỏi phải có sự kiên trì, khéo léo. Không nóng vội và đốt cháy giao đoạn.
Hai là, rèn tốt kỷ năng học cho học sinh.
Để Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục đạt kết quả tốt, giáo viên cần rèn tốt kỹ nằn học cho học sinh. Muốn làm tốt vấn đề này, trước hết người giáo viên phải nghiên cứu kĩ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của chương trình cũng như phần ngữ âm của từng bài dạy. Trong đó với tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục phần âm là vô cùng quan trọng, vì vậy ngay từ bước đầu tiên, giáo viên cần cung cấp cho học sinh các kỹ năng như: làm quen với môi trường học tập, với thầy cô, bạn bè, biết sử dụng các đồ dùng học tập…Về kiến thức, các em phải nắm chắc: Tiếng gồm 2 phần ( phần âm đầu và phần vần ); biết đánh vần theo cơ chế 2 bước, dùng thao tác và đọc theo 4 mức độ; biết vẽ mô hình 2 phần của tiếng, đưa tiếng vào mô hình; biết phân biệt nguyên âm và phụ âm; biết tạo ra các tiếng mới bằng cách thay phụ âm đầu hoặc các dấu thanh trong tiếng việt; biết nghe đọc và viết đúng, đẹp các tiếng đã học. Trước giờ lên lớp, giáo viên cần nghiên cứu kỹ sách học sinh, giáo viên và tìm hiểu nội dung bài đọc trong chương trình lớp 1 học.
Ba là,  Đa dạng hóa các hình thức dạy học nhằm tạo bầu không khí tập thể vui tươi, lành mạnh với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”
Giáo viên nắm vững chất lượng học tập của học sinh, từ đó có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học. Khi học xong tiết Tiếng Việt hình thành kiến thức các em phải nắm vững được các kiến thức trong bài học, giáo viên điều tra xem bao nhiêu học sinh trong lớp có thể làm được bài, từ đó có hướng luyện cho các học sinh còn hổng kiến thức. Có thể sử dụng phương pháp luyện tập theo mẫu: Giáo viên phát âm chuẩn, rõ ràng, thật chậm từ 2 - 3 lần, sau đó cho học sinh phát âm sai phát âm lại. Phương pháp quan sát và phân tích cách phát âm: Giáo viên quan sát phát hiện học sinh phát âm sai; nói rõ nguyên nhân phát âm sai bằng cách chỉ ra cách sử dụng các bộ phận phát âm không đúng của các em. Sau đó, giáo viên mô tả cách phát âm, như: Nêu rõ vị trí đặt lưỡi, vị trí của lưỡi với răng, độ mở của môi...Phương pháp luyện tập tổng hợp: Phân tích các thành phần và âm vị mắc lỗi để học sinh nhận diện.
Đưa vào trong ngữ cảnh để phân biệt nét nghĩa cho học sinh có ý thức phân biệt âm đúng âm sai (đối với các âm dễ lẫn lộn như l-n, s-x, tr-ch, r-g, gi-d-v). Phương pháp tổ chức trò chơi học tập: Giáo viên thay đổi các trò chơi hấp dẫn để thu hút sự chú ý học sinh giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Để dạy tốt môn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục phần âm có hiệu quả cao, giáo viên cần làm tốt các quy trình và vận dụng phù hợp các hình thức tổ chức dạy học trong từng tiết học một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, sử dụng một số phương pháp dạy học như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp phân tích mẫu, phương pháp hỏi đáp, phương pháp trực quan… kết hợp với nhiều hình thức dạy học như: Học theo lớp, nhóm; cá nhân,...Giáo viên luôn yêu cầu học sinh thực hành và rèn luyện kỹ năng đọc, viết; lưu ý trang bị cho học sinh kiến thức từ thấp đến cao. Để làm được điều này, người giáo viên chỉ nhiệt tình giảng dạy là không đủ mà còn phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; phải biết kích thích lòng say mê học tập của các em.
Việc tạo bầu không khí tập thể trong một lớp học có ý nghĩa rất quan trọng, ở lứa tuổi lớp 1, học sinh vẫn còn  tâm lý dựa dẫm vào cha, mẹ và gia đình, các em chưa thực sự mạnh dạn, do vậy giáo viên cần chú trọng tạo ra một bầu không khí tập thể thoải mái, kích thích tính tò mò học tập cho các em, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu theo từng người và từng nhóm giúp các em mạnh dạn và tự tin hơn
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên với phụ huynh trong việc bổ trợ kiến thức cho học sinh
Sự giao lưu thường xuyên giữa giáo viên và phụ huynh có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng học tập của các em. Thứ nhất thông qua việc trao đổi và  nhận xét của giáo viên, giúp cho phụ huynh nắm chắc được năng lực học tập của con mình, để từ đó có sự định hướng và kịp thời bổ trợ thêm kiến thức, đặc biệt với chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục, phụ huynh cần phải nắm được phương pháp dạy và phương pháp học trên cơ sở đó chủ động phối hợp với giáo viên trong việc định hướng, cha mẹ thực sự là người thầy tại chỗ giúp các em học tâp. Thứ hai thông qua phụ huynh, giáo viên nắm được đặc điểm tâm sinh lý của từng em để từ đó có phương pháp dạy cho phù hợp và thông qua sự giao lưu này để giáo viên hướng dẫn cho phụ huynh hướng dẫn các em cách đọc, cách viết và cách phát âm chuẩn theo đúng quy trình.
 

Tác giả bài viết: Phan Thị Cao Vân

Nguồn tin: Trường TH Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn