Những tiết học thú vị

Thứ hai - 30/11/2015 03:31 | Số lần đọc: 858
Tôi là một giáo viên Tiểu học có nhiều rung cảm khi đoch văn thơ. Vì thế, vào mỗi buổi học tôi đều ngâm thơ hoặc kể chuyện cho các em nghe. Tôi cũng thường khuyến khích các em tập làm “thơ”, viết “văn” và ra những “đề tài” đơn giản, phù hợp với các em để mỗi học sinh tự viết ra những suy nghĩ của riêng mình.
Chính vì thế, các em cũng dần làm quen và thích thú với những gì mình viết ra; dẫu câu chữ các em viết còn chưa nên điệu, nên vần…
          Hôm đó, tôi dạy bài: “Diện tích hình thang”, toán lớp 5. Sau khi giúp học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng bài học, phần củng cố, tôi mời em Thuỳ Linh nhắc lại ghi nhớ bài học: “Muốn tính diện tích hình thang, ta lấy tổng hai đáy nhân với chiều cao (cùng một đơn vị đo) rồi chia cho 2”. Thuỳ Linh vừa đọc xong thì Lan Anh liền giơ tay.
          - Thưa thầy, em xin đọc ghi nhớ bằng thơ được không ạ?
          Tôi vui vẻ đồng ý và Lan Anh đọc ngay:
“Muốn tính diện tích hình thang/
  Đáy lớn, đáy bé ta mang cộng vào/
  Cộng rồi nhân với chiều cao/
                                       Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra”.
          Lan Anh đọc xong, cả lớp vỗ tay rào rào và tôi cũng không giấu nổi niềm vui, nhưng cũng nhắc nhở các em: Bạn Lan Anh chuyển toán thành thơ mà vẫn hình dung ra cách tính diện tích hình thang là rất tốt. Nhưng các em cũng cần lưu ý, toán học là một môn khoa học mang tính chính xác cao, nên cần tuân thủ chặt chẽ từng câu chữ, công thức của toán có như thế khi làm bài mới cho đáp số đúng.
          Vài tuần sau, tôi dạy tiết tự chọn bài: “Ôn tập các dấu thanh”, nội dung cần ghi nhớ về các dấu huyền, dấu sắc, dấu nặng, dấu hỏi, dấu ngã,…
          Trong lúc tôi đang hướng dẫn các em ôn lại các ghi các dấu thanh cho đúng trọng âm, thì em Tùng Phương giơ tay.
          - Thưa thầy em nêu cách ghi các dấu thanh ấy bằng thơ được không ạ!
          Tôi liền mời em và Tùng Phương đọc như sau:
Huyền nằm, Sắc đứng, Nặng ngồi/
                    Hỏi khom lưng xuống, Ngã buồn làm sao”.
          Tùng Phương đọc xong, cả lớp cười rộ lên tán thưởng và tôi cũng vỗ tay hoà nhịp với các em… Sau những tiết học như thế, tôi càng thấy vai trò quan trọng của người thầy trước học sinh. Cần phải xây dựng cho các em thói quen, hứng thú học tập; khêu gợi hết khả năng tư duy, năng lực thẩm mỹ ở các em. Tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc thực, thơ ngây của học sinh và nâng chúng lên ở chất lượng cao hơn.

Tác giả bài viết: Phan Thị Cao Vân

Nguồn tin: Trường Tiểu học Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn