Một vài cảm nhận qua bài tập đọc Sắc màu em yêu

Thứ năm - 08/10/2015 10:36 | Số lần đọc: 5817
Tôi đã đọc rất nhiều lần, đọc đến thuộc lòng bài thơ “Sắc màu em yêu” của tác giả Phạm Đình Ân trong sách Tiếng Việt 5. Nhưng mỗi lần đọc lại tôi vẫn luôn cảm nhận được những điều mới mẻ. Với thể thơ bốn chữ gọn gàng, tác giả đã gởi gắm nhiều điều qua vẻ đẹp của bức tranh đa sắc.
Mỗi sắc màu lần lượt hiện lên sinh động và gợi cảm thông qua những cảnh vật cụ thể ở các hoàn cảnh tiêu biểu mà người viết đã lưu tâm trong trạng thái đầy cảm xúc. Tác giả đã tìm được những sự vật đại diện cho mỗi sắc màu để rồi sắp xếp chúng, bố cục chúng vào một bức tranh theo một trật tự hợp lí. Sự sắp xếp đó thể hiện được từ những điều cao rộng nhất cho đến những cái bình thường nhất; từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ đẹp con người; từ vẻ đẹp đất nước đến vẻ đẹp làng quê, gia đình và các em nhỏ.
Bảy khổ thơ đều bắt đầu bằng một câu gần như lặp lại hoàn toàn “Em yêu màu…”. Bảy màu sắc hiện ra từ đầu đến cuối theo một logic chặt chẽ gắn liền với hình ảnh tổ quốc, đất nước, làng quê qua những câu chữ thật dễ hiểu, thật chân thực. Sự vật tượng trưng cho màu sắc trong bài thơ cũng rất gần gũi với các em nhỏ.
Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp của màu đỏ. Màu đỏ ấy gắn với màu máu, màu của lá cờ Tổ quốc, màu của chiếc khăn quàng tươi thắm trên vai em. Rồi đến màu xanh tượng trưng cho non sông đất nước. Đó là màu xanh mươn mướt của đồng bằng, xanh ngút ngàn của rừng núi, xanh vời vợi của bầu trời và xanh thăm thẳm của biển cả. Tất cả là màu xanh của thiên nhiên bao la hùng vĩ.
Bài thơ được tiếp nối bởi vẻ đẹp trù phú của màu vàng bằng sắc màu của cánh đồng lúa chín. Màu vàng no ấm ấy càng đẹp hơn lên khi có thêm màu vàng tươi, rực rỡ của hoa cúc cùng với nắng trời.
Màu trắng được tác giả tô vào bức tranh qua hình ảnh những trang giấy trắng của em mỗi ngày đến trường, của bông hoa hồng tỏa ngát hương thơm, là mái tóc bạc phơ của người bà mà em vô cùng yêu quý. Nói đến màu đen ta thường liên tưởng đến những sự vật khác nhưng màu đen trong bài thơ lại được hiện ra qua vẻ đẹp óng ánh của hòn than, trong đôi mắt xoe tròn của trẻ thơ và màu khi màn đêm buông xuống.
Màu tím thường được hiểu là màu của sự nhớ nhung nhưng ở đây nó lại gợi cái đẹp, sự thân thương khi nó là màu của những sự vật nhỏ bé, thân thiết với chị và em.  Đó là màu của hoa cà, hoa sim, màu khăn của chị và màu mực em viết trong trang vở.
Tác giả đã điểm xuyết màu nâu vào bức tranh qua những nét vẽ mộc mạc, chân quê. Nét vẽ ấy khắc họa hình ảnh chiếc áo đã sờn vai của mẹ, màu của đất đai, màu của gỗ rừng. Màu nâu cũng là màu của cuộc đời lao động vất vả, màu của sự bền bỉ và giản dị.
Bài thơ nói đến Tổ quốc, nói cả đến gia đình có bà, có mẹ, có chị, có em. Mỗi sắc màu đều có ý nghĩa, đều tượng trưng cho một điều gì đó trong tâm trí, tình cảm của mỗi con người. Tất cả đã tạo nên sự hoàn chỉnh cho bức tranh.
                                  Trăm nghìn cảnh đẹp
                                 Dành cho em ngoan
                                 Em yêu tất cả
                                 Sắc màu Việt Nam.
Vâng! Là “sắc màu” chứ không nói là “màu sắc”. Sự thay đổi đó đã làm cho âm điệu bài thơ vang hơn, làm nổi bật cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ- đó chính là “Sắc màu Việt Nam”.
                                                                               

Tác giả bài viết: Dương Hiên

Nguồn tin: Trường TH Tùng Ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 87 trong 25 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn