Lời xin lỗi muộn màng.

Thời gian công tác của tôi tính đến nay đã gần 25 năm.Trong gần 25 năm đó có biết bao nhiêu chuyện buồn vui đáng nhớ.

     Năm 2003- 2004 sau 10 năm công tác ở huyện bạn ( Can Lộc) tôi được trở về huyện nhà(Nghi Xuân) công tác. Qua những tháng ngày chờ đợi và rồi tôi cũng được phân công về ngôi trường vùng sâu, vùng xa của huyện.

    Bản thân vốn đã quen hoàn cảnh công tác xa(từ nhà tôi đến trường khoảng 20 Km), mới đầu tôi phải đi về vì nhà trường chưa có phòng nội trú.Năm đó tôi được phân công chủ nhiệm lớp 4A - trong trường còn tổ chức dạy lớp chọn, lớp tôi dạy không phải là lớp chọn nên chất lượng học sinh không đồng đều, đặc biệt trong lớp có một em học sinh khuyết tật và cũng từ em học sinh này mà đến nay đã gần 15 năm rồi tôi vẫn không quên được câu chuyện đã xảy ra ngày hôm đó.

   Chuyện là thế này:  vào đầu năm học ,học sinh thường phải nộp các khoản tiền.Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm hầu như phụ huynh nào cũng nộp đầy đủ.Trong số ít học sinh còn thiếu có em nguyễn Văn Đạt - Hôm đó em Đạt mang đến (số tiền là 15 000 đồng) nhưng Đạt đã đưa cho tôi là 50.000 đồng. Tội trả lại em 35 000 đồng và không quên dặn em:"Cất cẩn thận để đưa về trả mẹ nhé!". Đạt dạ và làm theo lời tôi. Nhưng trưa hôm đó vì  học cả ngày nên Đạt không mang cặp về nhà và quên luôn việc đưa tiền. Đến chiều khi tôi bước vào lớp, thấy cả lớp nhốn nháo còn đạt thì khóc rất to.

     - Thưa cô bạn Đạt mất tiền!

     - Thưa cô bạn Đạt mất tiền!...Rất nhiều học sinh đã thưa như thế.Các em nghi ngờ lẫn nhau. Sau một phút ổn định trật tự. tôi hỏi thì không ai biết, với sự việc này, tôi biết chưa thể giải quyết ngay được, tôi bèn bảo:"Bây giờ ta học bài đã, chuyện này giờ ra chơi ta giải quyết, ai phát hiện ra điều gì thì bảo lại với cô". Không khí ồn ào tạm lắng xuống, tôi say sưa giảng bài, nắng bớt gay gắt và giờ ra chơi cũng đã đến.Tôi chưa vội lên văn phòng. Còn các em chỉ chờ giờ phút này để nói ra điều nghi vấn. Em Kiều chạy lên nói to:

    - Cô ơi, trưa nay em thấy bạn Nhi ( tên em học sinh khuyết tật ) ở lại lâu và bạn ấy làm gì ở chỗ của Đạt.

    Nhiều bạn xì xào: "đúng đó cô ạ! ". Không biết làm thế nào, tôi đành cho bỏ phiếu thăm dò. Kết quả ai cũng nghi ngờ Nhi và tôi cũng đã đồng tình với nghi ngờ đó.

   Các bạn ạ giờ tôi mới hiểu "Một mất mười ngờ ; Một ngờ mười tội", chính hành động nông nổi của mình đã làm tổn thương cô học trò khuyết tật tội nghiệp.

  ( Về phần Nhi - Nhi là một cô bé tàn tật, nói ngọng, mặc dù đi học đó nhưng Nhi nhiều hơn các bạn khoảng 2 tuổi, về kinh tế nhà Nhi cũng khá ).

   Cuối buổi học hôm đó tôi mời Nhi ngồi lại để hỏi chuyện, tôi hỏi:

   - Nhi à, em có biết lấy cắp là hành động xấu không em?

   - Dạ em biết .

   - Nếu em lỡ lấy của Đạt rồi em hãy trả lại cho bạn, xin lỗi cả lớp, cô sẽ tha thứ cho em.

    - Nhi cười và nói ngọng líu : không, em không lấy cô ạ!

Nhìn thái độ của Nhi tôi nổi nóng: em không lấy, em ở lại làm gì? Sao lại lục cặp của Đạt?

- Không, em không lấy thật mà. Lúc này Nhi không cười nữa mặt đỏ bừng và đôi mắt rưng rưng. Nhìn em lúc này rất tội nghiệp, tôi liền hạ giọng:

- Nhi ạ nếu em lỡ lấy của bạn thì trả cho bạn vì nhà bạn rất nghèo, lại đông con.

Nhi Không nói gì mà nấc lên to hơn. Đến đây tôi động viên em:

 - Thôi em ra chơi với các bạn đi, cô cho em suy nghĩ.

  Nhi bước ra khỏi cửa, tôi nhìn theo không hiểu sao tôi thấy trong lòng mình cứ nghèn  nghẹn. Buổi học trôi qua, trống trường đã điểm, Cả lớp ra về, riêng mình Nhi ở lại sau, em đến bên tôi và nói: " Cô ơi em lấy cô ạ! Nhưng tiền em đang để ở nhà, mai em sẽ mang trả cho Đạt. Tôi xoa đầu em và khen:

- Em thật dũng cảm, cô cảm ơn em.

  Sáng ngày mai, như lời đã hứa Nhi mang tiền trả Đạt trong tiếng vỗ tay của cả lớp. Mọi chuyện xem như đã xong.

Thế rồi một tháng sau, khi không ai còn nhớ đến sự việc của ngày hôm đó nữa, thì một sự thật, sự thật khủng khiếp đã xảy ra. Lớp 3 A phát hiện em Hậu của lớp này đã lấy tiền của em Đạt lớp tôi, tôi như bị sét đánh ngang tai.Trời ơi! sao lại thế này? Nhi ơi cô đã đổ oan cho em rồi, tôi khóc và gọi Nhi đến - Vừa gặp tôi Nhi đã nở một nụ cười rất tươi - Một nụ cười thể hiện sự thông cảm, "Nhi ơi cô xin lỗi em, xin em tha thứ cho cô!".Nhi đến bên ôm tôi, khi đó em mới khóc, "cô ơi em rất thương cô và cũng rất thương bạn Đạt, em không muốn mất thời gian".Trời ơi sao một cô bé khuyết tật mà lại có suy nghĩ như vậy ??? Tôi lại thấy mình có lỗi thật nhiều.

  Các bạn ạ! cuộc sống không ai không mắc phải sai lầm, đối với tôi đây là một sai lầm lớn nhất trong gần 25 năm công tác,  tôi mong Nhi - cô học trò nhỏ ngày nào hãy đọc những dòng chữ này và hiểu được những day dứt của cô. Hãy cho cô nói lời xin lỗi dù đây là lời xin lỗi muộn màng.

Tác giả bài viết: Đặng Lan Phương

Nguồn tin: Sưu tầm