Giáo dục nhân cách theo quan niệm của Bác Hồ

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có viết: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên".
    
Thật vậy, Trong thế giới mênh mông, vô tận này thì con người là một thực thể vừa chịu những tác động khách quan của thế giới, vừa chịu những tác động chủ quan của xã hội và của chính bản thân mỗi con người. Con người được đánh giá với vai trò là chủ thể, là trung tâm của vũ trụ, của thế giới. Nói đến con người thường người ta nhấn mạnh tới yếu tố nhân cách. Khi chúng ta nhìn con người như một đại diện của loài, thì đó là cá nhân. Khi cá nhân tiến hành các hoạt động một cách có mục đích, có ý thức thì cá nhân đó được xem như là một chủ thể. Khi xem xét, nhìn nhận con người với tư cách là một thành viên của xã hội, một chủ thể của các mối quan hệ và hoạt động thì ta nói đến nhân cách của họ. Hay còn gọi là những tư cách và phẩm chất con người của cá nhân nào đó. Nhân cách con người là cái được hình thành mà nên chứ không phải hoàn toàn là cái được sinh ra. Nếu xem con người là chủ thể của nền văn minh sáng tạo ra các giá trị cho xã hội, thì có lẽ, một trong những yếu tố để tạo nên những giá trị đó cho xã hội ắt không thể thiếu được sự góp công của nhân cách con người. Bởi nhân cách là sự hội tụ dường như đầy đủ các mặt tích cực mà xã hội yêu cầu và đòi hỏi. Nhân cách con người được cấu thành từ những yếu tố chính như: yếu tố di truyền - bẩm sinh (trong đó có phần năng khiếu, tư chất); yếu tố môi trường (tự nhiên và xã hội); yếu tố giáo dục (nhà trường - gia đình - xã hội); yếu tố hoạt động cá nhân (cá nhân tự rèn luyện tu dưỡng mình). Giữa các yếu tố đó có những vai trò, mức độ khác nhau cùng tác động vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. "Tính nết" cũng là một trong những phẩm hạnh của tổng thể nhân cách. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá vai trò và mức độ khác nhau của các yếu tố đó mà trong bài thơ "Nửa đêm", của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai câu thơ: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên". Đi từ cấp độ vận dụng lý luận giáo dục để hiểu được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, chúng ta sẽ làm sáng tỏ ý mà Bác muốn gửi gắm trong hai câu thơ này. Nhìn nhận con người trên một trục toạ độ lịch đại, ta sẽ thấy có rất nhiều những quan niệm khác nhau về con người. Có quan niệm cho rằng: Con người như một "tồn tại thần bí"; lại có quan niệm cho rằng có "con người bản năng". Xuất phát điểm từ những quan niệm khác nhau về con người, hoặc quan niệm duy tâm, hoặc quan niệm duy vật siêu hình...,thì nhìn chung, những quan niệm đó chưa đủ để khái quát được bản chất đích thực của chân tướng "con người". Chủ nghĩa Mác - Lê Nin ra đời đã nêu lên một quan niệm về con người tương đối khái quát: Con người là một bộ phận, là khâu tiến hoá cao nhất của tự nhiên nói chung và của quá trình sinh học nói riêng, là một thực thể mang bản chất tự nhiên - sinh học, mang trong mình sức sống của tự nhiên và tính tự nhiên là tính bao trùm của sự sống. Song điều quan trọng hơn, con người còn là một sản phẩm của lịch sử xã hội, là một thực thể mang bản chất xã hội, bao gồm những thuộc tính, những thuộc tính có ý nghĩa xã hội, được hình thành trong quá trình hoạt động và do kết quả của sự tác động qua lại giữa người với người trong xã hội. Đó là những quan niệm khái quát nên diện mạo "Con người là gì?".
Như đã nói trên, nhân cách con người là cái được hình thành chứ không phải hoàn toàn là cái được sinh ra. Nhân cách con người được hình thành từ những yếu tố như: bẩm sinh - di truyền (trong đó có năng khiếu, tư chất), môi trường (tự nhiên - xã hội), giáo dục (nhà trường - gia đình - xã hội), hoạt động cá nhân (quá trình tự bản thân rèn luyện, giáo dục mình). Trong đó vai trò và mức độ của từng yếu tố tham gia vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách hầu như không giống nhau. Cụ thể là: yếu tố bẩm sinh - di truyền đóng vai trò là tiền đề, yếu tố môi trường là quan trọng, yếu tố giáo dục là chủ đạo và yếu tố hoạt động cá nhân đóng vai trò là quyết định. Từ những cơ sở lý luận này, đem đối chứng và vận dụng vào hai câu thơ: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên" của Bác Hồ, chúng ta sẽ lần lượt làm sáng tỏ thêm giữa những lý luận về giáo dục nhân cách và nội dung mà Bác chuyên chở trong hai câu thơ này.
Thứ nhất: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên", Ở đây Bác đã chỉ ra được đúng với bản chất của đối tượng. Đó là khẳng định: nhân cách con người là cái được hình thành chứ không phải hoàn toàn là cái được sinh ra. "Hiền, dữ" là những mặt khác nhau trong tính cách con người. Như vậy ý nghĩa giáo dục con người và nhân cách con người của Bác đã thoát hẳn khỏi quan niệm duy tâm xem con người như một "hiện tượng thần bí". Đồng thời thoát khỏi quan niệm duy vật siêu hình cho rằng có "con người bản năng". Trong câu thơ "hiền dữ phải đâu là tính sẵn", Bác có sử dụng từ "phải đâu" - như một lời phân bua, phân trần. Và ở cấp độ mạnh hơn, "phải đâu" - như một sự phản đối đến kịch liệt các quan niệm duy tâm và duy vật siêu hình của các học giả xưa khi bàn về con người. Từ lâu Mạnh Tử và Tôn Tử cũng đã từng có quan niệm về tính cách con người. Ông Mạnh Tử cho rằng: "Nhân chi sơ tính bổn thiện" (con người sinh ra vốn đã có tính thiện), còn ông Tôn Tử thì: "Nhân chi sơ tính bổn ác" (con người sinh ra vốn đã có tính ác). Mặc dù lập trường quan điểm của hai ông đấu tranh với nhau ở thuộc tính cơ bản trong tính cách con người đó là "tính thiện" và "tính ác". Song ở hai ông đều có xuất phát điểm chung cho rằng tính cách con người là cái có sẵn, quan niệm này thật chưa đúng với bản chất đối tượng "Nhân Cách" và chưa hiểu hết các mối quan hệ mang tính biện chứng giữa các yếu tố làm nên giá trị nhân cách! Như vậy đặt nhiều ý kiến khác nhau trong trường bàn luận về tính cách, nhân cách và vấn đề giáo dục con người, ta nhận thấy quan niệm của Bác về tính cách con người, giáo dục con người là tựu trung nhất, khoa học nhất, nó đúng với bản chất và quy luật  củaođốiôtượng.
          Thứ hai: cần trở lại vấn đề rằng nhân cách con người được hình thành từ những yếu tố: bẩm sinh - dy truyền, môi trường, giáo dục và hoạt động cá nhân. Ở đây: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên", ta lại thấy được quan niệm về tính cách và nhân cách con người mà Bác nêu lên rất khái quát. Làm nên tính khái quát đó tôi nghĩ rằng phải là việc lựa chọn từ ngữ thật chính xác. Bác không liệt ra các yếu tố kia nhưng đằng sau nó là một sự ngầm định liệt kê rồi! từ ngữ mà Bác chọn "phần nhiều" cực hay! Nó như khái quát lên cái quy mô, cái biên độ rộng nào đó góp phần quyết định nên đối tượng "Nhân Cách". Hàm ý mà Bác muốn gửi gắm trong câu thơ "Phần nhiều do giáo dục mà nên" này đó là thừa nhận nhân cách con người là sự hợp thành và chịu sự tác động từ các yếu tố: bẩm sinh - di truyền, môi trường, hoạt động cá nhân. Trong đó đã có sự ngầm định của Bác về: yếu tố bẩm sinh - di truyền (trong đó có một phần năng khiếu, tư chất) là tiền đề ; yếu tố môi trường (tự nhiên và xã hội) là quan trọng ; yếu tố giáo dục là chủ đạo (nhà trường, gia đình, xã hội); yếu tố hoạt động cá nhân là quyết định. Bác đã không xem nhẹ các yếu tố bẩm sinh - dy truyền; môi trường, lại không đề cao yếu tố giáo dục là chính yếu. "Phần nhiều" chứ chưa phải là nhiều, chưa phải là tất cả! Dường như Bác muốn nhường chỗ cho cái vị thế cao nhất trong hàng ngũ những yếu tố góp phần hình thành và phát triển nhân cách ấy là "hoạt động cá nhân". Cái từ ngữ "phần nhiều" mà Bác đưa vào sử dụng mới đắc địa làm sao! Bác Hồ đã đặt vai trò giáo dục lên ở một tầm cao nhất định nào đó thật đúng với thực tiễn. Và có lẽ cũng xuất phát từ quan điểm ấy mà lúc bình sinh Bác thường trăn trở rất nhiều đến công tác giáo dục, minh chứng cho điều đó là những việc làm cụ thể của Bác và những lời hết sức tâm huyết: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc nhất là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành "và" Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Như vậy ta thấy rằng tuy nhân cách con người được quyết định bởi hoạt động cá nhân. Song vai trò và thiên chức của giáo dục cũng thật là lớn lao, đã góp phần vào sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục với vai trò định hướng giá trị cho con người vươn tới đích đến là nhân cách. Ở một góc độ khác yếu tố giáo dục ở đây cũng được hiểu với một cách tổng hoà đó là: giáo dục giữa nhà trường với gia đình và xã hội.
Thứ ba: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên", ở đây tôi xin được bàn luận đến ba vấn đề cơ bản. Một là thuộc tính của đối tượng nhân cách - "hiền / dữ". Hai là quá trình tác động vào đối tượng nhân cách - "giáo dục". Ba là thiên hướng (mục đích) của quá trình chọn lọc thuộc tính - "mà nên". Hay nói một cách khái quát thì đây là một hệ thống móc nối có tính ràng buộc lẫn nhau giữa các yếu tố. "Hiền / dữ" là thuộc tính, là sản phẩm của đối tượng nhân cách, thiên hướng chọn lọc nó phụ thuộc vào quá trình "giáo dục". Như vậy trong hai câu thơ trên, đã khái quát được trọn ý và vấn đề chúng ta cần quan tâm. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng thiên hướng chọn lựa thuộc tính bao giờ con người ta cũng theo hướng tích cực và tiến bộ. Song trong quá trình chọn lựa đó thì cũng bắt gặp không ít những lực cản, cái lực cản đó cũng có thể ở nội tại giáo dục (nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục...), hoặc cũng có thể do các yếu tố ở bên ngoài giáo dục. Thông qua đó chúng ta sẽ có những biện pháp và cách thức mà điều chỉnh cho hoạt động giáo dục trở nên tích cực và thực sự là yếu tốochủođạootrongoviệcogiáoodụcoconongười. 
Từ lý luận về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, chúng ta cần phải rút ra cho mình những kết luận sư phạm cần thiết cho công tác giáo dục sau này của bản thân như: Trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, nó là kết quả của sự tác động từ nhiều yếu tố. Trong đó bẩm sinh - di truyền là tiền đề (năng khiếu, tư chất), môi trường là quan trọng (tự nhiên - xã hội) , giáo dục là chủ đạo (nhà trường - gia đình - xã hội), hoạt động tự giáo dục cá nhân là quyết định. Vì vậy trong công tác giáo dục tuyệt đối không được xem nhẹ hoặc đề cao bất cứ một yếu tố nào. Tránh trường hợp như quan niệm của một số người xem hoạt động giáo dục là vạn năng trong việc giáo dục, đào tạo, tu dưỡng con người. Mà hướng giải quyết chung đó là phải có sự phối hợp đồng bộ có tính hệ thống và khoa học giữa nhà trường - gia đình - xã hội cùng với các tổ chức, cơ quan đoàn thể khác. Cần phải có quan điểm đúng đắn về vai trò của từng yếu tố trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người.
Tóm lại bàn về nhân cách con người trong hệ thống lý luận giáo dục, đã đem lại cho chúng ta những trí thức mang tính nền tảng, cơ sở và căn cứ khoa học để vận hành vào thực tiễn của việc "trồng người" một cách hiệu quả cao và khoa học. Góp thêm cho lý luận giáo dục nhân cách đó ở một lối cô đọng bằng nghệ thuật ngôn từ ấy vẫn là hai câu thơ: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên"
 

Tác giả bài viết: Phan Thị Cao Vân

Nguồn tin: Trường Tiểu học Tùng Ảnh