Giải pháp dạy tốt kiểu câu “Ai làm gì?” ở tiểu học

Giải pháp dạy tốt kiểu câu “Ai làm gì?” ở tiểu học

Ở bậc Tiểu học, Tiếng Việt là môn học chính, bao gồm nhiều phân môn: Học vần, Tập viết, Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn, Kể chuyện.
Luyện từ và câu là một phân môn quan trọng không thể thiếu vì đó là công cụ để học sinh khám phá thế giới xung quanh.
Với phân môn Luyện từ và câu, các bài tập về kiểu câu “Ai là gì?”, “Ai làm gì?”, “Ai thế nào?” có vai trò rất quan trọng, vì đó là những kiểu câu cơ bản nhất; đặc biệt kiểu câu “Ai làm gì?” được sử dụng thường xuyên, có thể xuất hiện trong bất cứ văn bản nào, trong bất cứ cuộc giao tiếp đối thoại nào, nhất là trong các bài văn tả cảnh sinh hoạt.
Dưới đây là những lưu ý quan trọng và phương pháp hiệu quả để dạy tốt loại câu này.
4 bước dạy học dạng bài kiểu câu "Ai làm gì?"
Quy trình dạy học dạng bài kiểu câu "Ai làm gì?" được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Đọc và xác định yêu cầu bài tập
GV cho HS đọc thành tiếng toàn bộ bài tập. Các em khác vừa nghe vừa nhìn vào bài tập trong sách giáo khoa. Nhằm giúp HS nắm vững yêu cầu bài tập, GV có thể sử dụng lệnh và câu hỏi. GV cũng có thể giúp HS nắm yêu cầu bài tập bằng lời giải thích.
Bước 2: Hướng dẫn HS giải một phần bài tập để làm mẫu
Ở bước này, GV có thể gọi một học sinh đứng tại chỗ hoặc lên bảng để giải một phần của bài tập, sau đó phân tích để các em còn lại hiểu và nắm chắc yêu cầu cách làm bài. Nếu HS lúng túng, GV có thể gợi ý bằng câu hỏi.
Bước 3: HS làm bài tập vào vở, nháp hoặc bảng con
HS thực hiện các nhiệm vụ của mình theo yêu cầu đề ra. Ở bước này, HS phải tự giác, tích cực, chủ động làm bài tập. Phương pháp chính trong bước này là thảo luận nhóm theo bàn, theo tổ... rồi viết câu trả lời ra giấy và đọc kết quả các nhóm khác nhận xét, bổ sung, sữa chữa. GV tổng kết rồi lựa chọn bài làm chính xác nhất.
Bước 4: Tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về bài làm, rút ra những điểm cần ghi nhớ khi áp dụng làm các bài tập dạng này
Bước này nhằm giúp HS có kĩ năng ghi nhớ các cách làm bài dạng này tốt hơn. Khi thực hiện, GV định hướng cho HS nội dung cần nhận xét: Đã thực hiện đúng yêu cầu bài tập chưa? Bài đã làm có đúng không? GV hướng dẫn HS điều chỉnh, sữa chữa từng trường hợp để tìm ra những bài làm đúng nhất. Từ đó, rút ra những kiến thức cần ghi nhớ.
Cách thực hiện bước này là tùy thuộc vào nội dung bài GV có thể dùng câu hỏi để HS rút ra kết luận hoặc GV có thể thông báo những nội dung cần ghi nhớ.
Quy trình dạy học dạng bài tập vận dụng kiến thức
Cũng giống như ở dạng bài tập nhận diện, quy trình dạy học dạng bài tập vận dụng cũng phải trải qua các bước: Đọc và xác định yêu cầu bài tập; giúp HS chữa một phần bài tập làm mẫu; GV tổ chức cho HS làm bài; GV tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về kết quả, rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức.Cụ thể như sau:
Bước 1: Đọc và xác định yêu cầu bài tập
Các thao tác thực hiện ở bước này gồm: Đọc nội dung bài tập; xác định dữ liệu đã cho; xác định yêu cầu của bài tập.
Để giúp HS nắm vững yêu cầu bài tập, GV cần gợi ý thông qua các câu hỏi như: Đọc nội dung bài tập (Bài tập cho ta biết những gì? Yêu cầu của bài tập là gì?); bằng các câu hỏi gợi dẫn, HS sẽ xác định đúng yêu cầu bài tập và có định hướng để làm bài.
Bước 2: GV giúp HS phân tích đề bài và giải một phần bài tập để làm mẫu
Các thao tác thực hiện ở bước này gồm: Một HS làm bài tập trên bảng lớp; cả lớp làm bài tập vào nháp; GV nhận xét bài làm trên bảng của HS cũng như bài làm trong vở nháp của cả lớp; GV tổng kết, tìm ra bài làm đúng (có tính chất làm mẫu cho HS).
Bước 3: HS làm bài tập vào vở
Sau khi nhận xét về phần làm mẫu của HS, GV yêu cầu HS làm bài tập.
Bước 4: GV tổ chức cho HS trao đổi, nhận xét về kết quả, rút ra những điểm cần ghi nhớ về tri thức
Thông qua quá trình HS thực hiện yêu cầu bài tập và nhận xét, đánh giá kết quả của nhau, GV gợi ý để HS rút ra những điều cần ghi nhớ khi rèn luyện kĩ năng vẽ hình phân tích bài tập. Như vậy, đối với dạng bài tập này, SGK đã cung cấp sẵn nội dung kiến thức qua các bài tập. HS chỉ cần xác định đúng yêu cầu của đề bài và thực hiện theo yêu cầu.
 

Tác giả bài viết: Kiều Thị Bích Thủy